Thành phố phía Đông Sài Gòn
TP HCM mất nhiều năm xây dựng chiến lược thành lập khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông tại quận 2, 9 và Thủ Đức nhưng vẫn chưa được trung ương thông qua
UBND TP HCM vừa thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao nhằm chuẩn bị cho việc hình thành Thành phố phía Đông đã ấp ủ nhiều năm qua. Ý tưởng này từng thể hiện trong lần đầu TP HCM trình Đề án chính quyền đô thị năm 2013 - thành lập 4 thành phố vệ tinh ở 4 hướng, trong đó có thành phố phía Đông nhưng không được trung ương chấp thuận.
Việc tổ chức lại quận 2, 9, Thủ Đức thuộc Khu đô thị sáng tạo phía Đông theo hướng thành lập "thành phố thuộc TP HCM" cũng là một phần trong Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị lần thứ hai mà thành phố đang gấp rút hoàn thành để trình trung ương trong quý ba năm nay.
Dự kiến sau khi được lập, Thành phố phía Đông có diện tích hơn 22.000 ha, hơn 1,1 triệu dân. Đây cũng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao thành phố đang hướng đến với các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao ở quận 9, Đại học Quốc gia TP HCM tại quận Thủ Đức và Khu đô thị mới Thủ Thiêm quận 2.
Trong đó, Đại học Quốc gia TP HCM với 18 đại học thành viên và viện nghiên cứu. Khu công nghệ cao TP HCM rộng khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao đang hoạt động. Còn trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha đang hình thành. Ngoài ra, khu vực này còn có các khu công nghiệp và khu chế xuất gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Thành phố phía Đông sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên những nền tảng có sẵn, kết nối 3 chức năng: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ; trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao; trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.
Khu vực này cũng được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.
Do việc sáp nhập ba quận để thành lập "thành phố trực thuộc thành phố" chưa có tiền lệ, hồi đầu tháng 4 TP HCM gửi công văn đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc thực hiện hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng "chưa có cơ sở pháp lý" bởi Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM không quy định các vấn đề liên quan việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố. Hơn nữa, hiện TP HCM chưa hoàn thành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021.
Bộ Xây dựng cũng nhận định, UBND TP HCM đã có định hướng quy hoạch phát triển đô thị sáng tạo phía Đông nhưng chưa nêu rõ khu vực dự kiến hình thành đô thị đã có quy hoạch chung đô thị, chương trình phát triển đô thị được nghiên cứu, trình phê duyệt hay chưa. Trong khi đó, quy hoạch chung TP HCM được Thủ tướng duyệt tại Quyết định 24 chưa có nội dung định hướng này.
Một lần nữa dự tính hình thành "thành phố trong thành phố" của TP HCM lại bị "vướng". Chuyên gia lĩnh vực quy hoạch đô thị - KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đây là chủ trương đúng của TP HCM, định hướng tốt về mặt đô thị. Trên thế giới, những vùng đô thị thường có quy mô không lớn, còn về nguyên tắc quản lý thì quy mô thành phố nhỏ và vừa sẽ có chất lượng sống cao hơn, bởi đáp ứng được nhu cầu của người dân, giữ gìn được bản sắc của khu đô thị như di sản, kinh tế tài chính, công nghiệp...
"Để thực hiện thành công mô hình này cần rõ ràng về mặt cơ chế. Tức là những thành phố trong thành phố sẽ có bộ máy, hướng phát triển, nền tảng pháp lý phù hợp nhưng vẫn theo định hướng, chiến lược chung của siêu đô thị; giữa thành phố lớn và thành phố nhỏ có sự phối hợp nhịp nhàng", ông Sơn nói.
Ban chỉ đạo xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đứng đầu, có nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống, làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển...
Ban còn có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tăng cường cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 quận (2, 9 và quận Thủ Đức); đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính khu vực này.
Nhiệm vụ khác của Ban chỉ đạo là xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị tập trung (bao gồm hệ thống dữ liệu về đất đai, giao thông, kênh rạch, công trình) của 3 quận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực quản lý các nguồn lực.
Bài viết liên quan
Thủ tướng ủng hộ TP.HCM sáp nhập quận 2, quận 9 và Thủ Đức
- 5/9/2020 2:40:32 PM
Về việc thành lập thành phố phía Đông TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập 3 quận, "Còn tên gọi là gì sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp".
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận